-
Được đăng: 20 Tháng 8 2018
-
Lượt xem: 1292
Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn là một trong những yếu tố quyết định đến sự sống của bệnh nhân, vậy sơ cứu như thế nào cho đúng?
Số lượng bệnh nhân bị rắn cắn tăng nhanh trong mùa mưa
Theo những tin tức y tế mới nhất, số lượng bệnh nhân bị rắn cắn ngày càng tăng cao trong mùa mưa, điển hình như bệnh nhân T.Q.H (53 tuổi, trú tại Na Hang, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng tổn thương mu chân phải lan rộng, sưng nề đỏ, có dịch mủ màu vàng, hôi, hoại tử; sưng nề lan lên hết cẳng chân phải.
Theo bệnh nhân kể lại: 4 ngày trước, khi đang hái rau tại vườn nhà bất ngờ thấy đau chói chân phải. Khi nhìn vết thương có dấu răng cắn vào mu bàn chân. Sau khi bị tai nạn bệnh nhân không đến bệnh viện để thăm khám ngay mà ở nhà đắp lá và uống thuốc nam 4 ngày. Tình trạng vết thương càng nghiêm trọng hơn khi vết thương ngày càng sưng đỏ, lên mủ, đi lại rất khó khăn và đau thì bệnh nhân mới đến bệnh viện cấp cứu. Qua các kết quả cận lâm sàng các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng vết thương bàn chân phải do rắn cắn. Hiện tại bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị nhiễm trùng.
Cách sơ cứu khi bị rắn cắn nhanh nhất và chuẩn nhất
Bác sĩ Phạm Văn Hữu giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, việc xử trí rắn cắn đối với nhiều người dân còn nhiều điểm sai lầm, do việc sơ cứu không đúng cách khiến cho nhiều người nhập viện trong tình trạng rất nặng bị hoại tử một phần tay, chân vì nhiễm trùng máu.
Để sơ cứu người bị rắn cắn đúng cách, việc đầu tiên mà người sơ cứu cần thực hiện là trấn an người bệnh, không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) cố định chân, tay bị cắn.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thảo giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, đối với những bệnh nhân bị rắn lục cắn thì không cần băng ép vì có thể làm cho vết thương của bệnh nhân nặng thêm. Bệnh nhân bị rắn lục cắn có thể chích nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.
Đối với những bệnh nhân có tổn thương trung tâm hô hấp thì cần hô hấp nhân tạo bằng biện pháp hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,…để duy trì hô hấp cho bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến. Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…
Bác sĩ Nguyễn Anh Tú giảng viên Cao đẳng Y Dược TP HCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ, bất cứ trường hợp nào bệnh nhân bị rắn cắn ngay cả đối với những loại rắn lành tính bệnh nhân đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả. Bệnh nhân cũng không sử dụng các biện pháp ga rô, trích nặn, chườm đá, đắp thuốc nam, thuốc bắc… vì nó không có hiệu quả.
Thanh Mai – ytevietnam.edu.vn