-
Được đăng: 16 Tháng 1 2022
-
Lượt xem: 415
SKĐS- Một nghiên cứu mới đây cho thấy, thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch… Việc kiểm tra nồng độ vitamin D để đánh giá nguy cơ tim mạch của một người là rất quan trọng.
* Vitamin D, còn được gọi là vitamin "ánh nắng mặt trời", là một loại vitamin tan trong chất béo tồn tại ở hai dạng chính: Vitamin D2 và vitamin D3.
* Là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu và chủ yếu có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời, vitamin D rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và răng cũng như hoạt động thường xuyên của hệ thống miễn dịch.
* Các nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên quan giữa mức vitamin D thấp và khả năng mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nhưng nghiên cứu mới, còn cho thấy, việc kiểm tra nồng độ vitamin D để đánh giá nguy cơ tim mạch của một người là rất quan trọng.
1.Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Trên toàn thế giới, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Hằng năm, ước tính có khoảng 17,9 triệu người trên thế giới tử vong do các biến chứng của bệnh tim mạch gây ra, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim mạch đã được biết là: Một số tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống và lối sống… nhưng mới đây các nhà nghiên cứu ở Úc đã phát hiện ra một yếu tố bổ sung có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch của một người. Đó là sự thiếu hụt vitamin D
2. Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Tác giả chính, GS Elina Hypponen, Viện Nghiên cứu Ung thư Đại học Nam Úc cho biết, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, việc tăng nồng độ vitamin D sẽ chỉ hữu ích cho những người 'cần nó'. Việc bổ sung quá nhu cầu sẽ không tăng thêm lợi ích mà còn gây hại.
Trong nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học bắt đầu điều tra xem liệu có mối quan hệ giữa vitamin D (25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh, hoặc 25 (OH) D) và nguy cơ phát triển bệnh tim mạch hay không.
Để kiểm tra giả thuyết của mình, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ UK Biobank (một nghiên cứu thuần tập lớn về dân số Vương quốc Anh trong độ tuổi 37–73). Những người tham gia được tuyển chọn từ 22 trung tâm đánh giá trên khắp Vương quốc Anh trong khoảng thời gian gần 3 năm. Những người tham gia điền vào các bảng câu hỏi cung cấp thông tin về sức khỏe và lối sống tại thời điểm ban đầu và cung cấp mẫu máu cho các xét nghiệm đánh dấu sinh học và di truyền.
Sau khi sàng lọc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm di truyền giữa các cá thể với thông tin đầy đủ về nồng độ 25 (OH) D và thu thập các thông số như: Tuổi, giới tính và thời gian lấy mẫu… có thể ảnh hưởng đến các phép đo 25 (OH) D huyết thanh. Các nhà khoa học đã thu thập thông tin này từ 295.788 người tham gia.
3. Kiểm tra nồng độ vitamin D là cần thiết để đánh giá nguy cơ tim mạch
Khi so sánh kết quả với nhóm đối chứng không có chẩn đoán CVD (bệnh tim mạch), nhóm nghiên cứu cũng tiến hành một phân tích thứ cấp để xem xét mối liên hệ giữa nồng độ 25 (OH) D với huyết áp.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trong số những người tham gia:
11,4% có nồng độ 25 (OH) D dưới 25 nmol/l
41,3% có nồng độ 25 (OH) D từ 25 đến 49,9 nmol/l
35,3% có nồng độ 25 (OH) D từ 50 đến 74,9 nmol/l
10,5% có nồng độ 25 (OH) D từ 75 đến 99,9 nmol/l
1,4% có nồng độ 25 (OH) D từ 100 đến 124,9 nmol/l
Dưới 0,1% có nồng độ 25 (OH) D vượt quá 125 nmol/l.
Phân tích sâu hơn cho thấy những người có 25 (OH) D huyết thanh ở 25 nmol/l có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 11% so với những người có nồng độ 50 nmol/l. Những người có nồng độ 75 nmol/l có tỷ lệ CVD thấp hơn 2% khi so sánh với những người ở 50 nmol/l.
Ở những người có nồng độ 25(OH)D là 25 nmol/l, có sự gia tăng đáng kể về giá trị huyết áp khi so sánh với 50 nmol/l.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học đi tới kết luận rằng thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nghiên cứu này cho thấy việc kiểm tra nồng độ vitamin D là rất cần thiết với mục đích đánh giá nguy cơ tim mạch và hơn nữa là bổ sung vitamin D cho những người bị thiếu hụt nhiều nhất để giảm nguy cơ bệnh tim mạch, bao gồm cả nguy cơ bệnh mạch vành và đột quỵ. Các nhà khoa học nhấn mạnh.
Trịnh Xuân Nguyên
Theo MNT