-
Được đăng: 03 Tháng 2 2020
-
Lượt xem: 902
Bệnh viêm phổi cộng đồng là một bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến. Bệnh nếu như không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng rất nặng nề tới người bệnh.
Tìm hiểu về bệnh viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng bao gồm các nhiễm khuẩn phổi xảy ra ở bên ngoài bệnh viện, biểu hiện bằng viêm phổi đốm, viêm phổi thùy hoặc viêm phổi không điển hình. Đặc điểm chung là có hội chứng đông đặc phổi và bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ trên phim X quang phổi; bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không do trực khuẩn lao.
Các tác nhân gây viêm phổi thường gặp là: Phế cầu, Chlamydia pneumoniae, Haemophilus influenzae, tụ cầu, Moraxella catarrhalis, Legionella pneumophila, Mycoplasma pneumoniae, trực khuẩn gram âm (trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đường ruột,…). Các virus như virus cúm thông thường, và một số virus mới xuất hiện như SARS – corona virus, virus cúm gia cầm cũng có thể gây nên viêm phổi nặng. Các vi khuẩn có xu hướng giảm nhạy cảm với các kháng sinh.
Trường hợp nào dễ mắc viêm phổi cộng đồng?
Một số yếu tố nguy cơ có thể gây mắc bệnh lý học viêm phổi cộng đồng đó là:
Hai nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất là:
- Trẻ em từ 2 tuổi trở xuống;
- Người từ 65 tuổi trở lên.
Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Bệnh thường xảy ra về mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh;
- Người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, COPD, bệnh tim… có nguy cơ mắc viêm phổi cộng đồng cao hơn;
- Hút thuốc lá, nghiện rượu;
- Hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế: Những người bị HIV/AIDS, người đã được cấy ghép nội tạng hoặc đã được hóa trị liệu, người sử dụng steroid lâu dài đều có nguy cơ mắc bệnh.
Biểu hiện của viêm phổi cộng đồng ra sao?
- Bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 39 – 40 độ C, rét run.
- Đau ngực: Đây là triệu chứng thường có, đau bên tổn thương.
- Ho mới xuất hiện, tăng dần, lúc đầu ho khan, về sau ho có đờm đặc, màu vàng, xanh hoặc màu gỉ sắt. Có khi nôn, chướng bụng, đau bụng.
- Khó thở trong trường hợp tổn thương phổi lan tỏa, nặng hoặc xẩy ra ở những bệnh nhân có các bệnh mạn tính kèm theo: thở nhanh, tím môi đầu chi.
Hội chứng nhiễm trùng: Sốt cao, hơi thở hôi, môi khô lưỡi bẩn.
Hội chứng đông đặc ở phổi, nghe phổi thấy ran ẩm, ran nổ bên tổn thương. Ngoài ra có dấu hiệu gợi ý viêm phổi do phế cầu như mụn Herpes ở mép, môi, cánh mũi.
Trường hợp đặc biệt: Người nghiện rượu có thể có lú lẫn, trẻ con co giật, người cao tuổi triệu chứng không rầm rộ, có khi bắt đầu lú lẫn mê sảng (tỷ lệ tử vong cao do suy hô hấp cấp, hạ nhiệt độ).
Thể không điển hình: Biểu hiện ho khan, nhức đầu, đau cơ. Khám thường không rõ hội chứng đông đặc; thấy rải rác ran ẩm, ran nổ. X-quang phổi tổn thương không điển hình (mờ không đồng đều, giới hạn không rõ hình thuỳ).
Các xét nghiệm phát hiện viêm phổi cộng đồng
- Công thức máu: Số lượng bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng trên 75%. Khi số lượng bạch cầu giảm < 4,5 giga/lít: hướng tới viêm phổi do virus
- Tốc độ lắng máu tăng, CRP, procalcitonin tăng.
- Xét nghiệm đờm: Cấy máu hoặc đờm có thể thấy vi khuẩn gây bệnh.
- X- quang phổi: Đám mờ hình tam giác đỉnh ở phía rốn phổi, đáy ở phía ngoài hoặc các đám mờ có hình phế quản hơi, có thể mờ góc sườn hoành.
- Chụp cắt lớp vi tính ngực: Có hội chứng lấp đầy phế nang với dấu hiệu phế quản hơi, thù phổi viêm không giảm thể tích, bóng mờ phế nang hoặc mô kẽ, tổn thương mới xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên, có thể kèm theo tràn dịch màng phổi.
Phương pháp điều trị bệnh
Điều trị viêm phổi bao gồm chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng. Những người bị viêm phổi mắc phải cộng đồng thường có thể được điều trị tại nhà bằng thuốc. Mặc dù hầu hết các triệu chứng giảm bớt trong vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong một tháng hoặc hơn.
Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của viêm phổi, tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Các tùy chọn bao gồm:
- Thuốc Kháng sinh: Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Dùng kháng sinh theo kinh nghiệm sau đó chờ kết quả kháng sinh đồ và điều trị theo kết quả kháng sinh đồ;
- Thuốc Giảm sốt/giảm đau: Bạn có thể dùng những thứ này khi cần thiết để hạ sốt và khó chịu. Chúng bao gồm các loại thuốc như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) và acetaminophen (Tylenol, những loại khác).
Ngoài ra theo lời khuyên từ các chuyên gia Y tế tại Cao đẳng Y Dược TPHCM thì người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, không nên quay trở lại học hoặc làm việc cho đến khi nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường và bạn ngừng ho ra chất nhầy. Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc để giúp làm lỏng chất nhầy trong phổi;
Tuân thủ nghiêm túc toàn bộ quá trình điều trị do bác sĩ kê. Nếu ngừng dùng thuốc quá sớm, vi khuẩn trong phổi có thể tiếp tục nhân lên và khiến viêm phổi tái phát.
Nguồn: Ytevietnam.edu.vn