-
Lượt xem: 19270
SỐT DO THUỐC
1. Định nghĩa sốt do thuốc (1)
Sốt do thuốc là bệnh lí đặc trưng bởi sốt xảy ra đồng thời khi dùng thuốc và ngưng sau khi không sử dụng thuốc, đồng thời không có nguyên nhân khác gây ra sốt sau khi xem xét trên thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.
2. Dịch tễ (1)
Sốt có thể là biểu hiện duy nhất của phản ứng có hại có thuốc, chiếm 3% đến 5% trường hợp. Nguy cơ sốt do thuốc tăng tương ứng với số lượng thuốc được sử dụng, đặc biệt trên đối tượng người cao tuổi. Bệnh nhân nhiễm HIV cũng tăng độ mẫn cảm đối với tất cả phản ứng phụ của thuốc, bao gồm sốt.
3. Các cơ chế gây sốt do thuốc (1)
- Phản ứng quá mẫn
- Thay đổi chuyển hóa điều nhiệt
- Phản ứng liên quan trực tiếp đến đường dùng thuốc
- Phản ứng liên quan trực tiếp đến tác động dược lí của thuốc
- Phản ứng do cơ địa của người bệnh
4. Đặc điểm bệnh nhân sốt do thuốc (1,2,3)
4.1. Tiền sử
-Nhiều bệnh nhân có cơ địa dị ứng tuy nhiên không phải tất cả bệnh nhân đều có cơ địa dị ứng.
- Bệnh nhân mẫn cảm với thuốc trong nhiều ngày tới nhiều năm mà không có bất cứ biểu hiện gì.
4.2. Lâm sàng
Thời gian khởi phát sốt
- Thời gian khởi phát sốt có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị và khác nhau ở mỗi nhóm thuốc. Thời gian trung bình từ khi sử dụng thuốc đến khởi phát triệu chứng sốt là 7 đến 10 ngày.
Đặc điểm của cơn sốt
- Sốt liên tục hoặc cách quãng hoặc giống đặc điểm sốt trong lao phổi (ớn lạnh, rùng mình).
- Thường dao động trong khoảng 39°C đến 39,5°C và có thể cao hơn 40°C.
- Bệnh nhân dường như dung nạp rất tốt với các tình trạng sốt.
Các biểu hiện lâm sàng khác
- Nhịp chậm tương đối, không tăng tương ứng với mức độ tăng thân nhiệt.
- Biểu hiện phản ứng quá mẫn trên da chiếm tỷ lệ 18% đến 29% bệnh nhân sốt do thuốc. Một số bệnh nhân có ban sần và có thể có mày đay hoặc đốm xuất huyết. Vì biểu hiện quá mẫn trên da không xảy ra phổ biến nên đây không phải là tiêu chuẩn loại trừ chẩn đoán sốt do thuốc.
Mối tương quan giữa nhiệt độ cơ thể và nhịp tim hay mạch chậm được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Mối tương quan giữa nhiệt độ cơ thể và nhịp tim hay mạch chậm
Nhiệt độ |
Đáp ứng mạch đập thích hợp (nhịp/phút) |
Mạch chậm tương đối (nhịp/phút) |
41°C |
150 |
< 140 |
40,5°C |
140 |
< 130 |
40°C |
130 |
< 120 |
39,5°C |
120 |
< 110 |
39°C |
110 |
< 100 |
Điều kiện áp dụng mạch chậm tương đối
Nhịp tim chậm tương đối là tình trạng tần số tim chậm một cách không thích hợp so với thân nhiệt (phải tiến hành lấy mạch một cách đồng thời với lấy thân nhiệt khi có tăng thân nhiệt). Áp dụng cho các bệnh nhân người lớn có thân nhiệt lớn hơn hoặc bằng 39°C, không áp dụng cho các bệnh nhân bị block tim độ 2/3, nhịp do máy tạo nhịp tạo ra hoặc các đối tượng đang dùng thuốc chẹn beta, diltiazem hoặc verapamil.
Để tính toán nhịp tim tương ứng với một nhiệt độ xác định, có thể dùng chữ số hàng đơn vị của nhiệt độ (tính theo độ F) trừ đi 1. Sau đó, lấy số đã trừ nhân 10 và cộng thêm 100. Ví dụ, nhiệt độ bệnh nhân 103 độ F, nhiệt tim thích hợp với nhiệt độ trên như sau: (3-1) x 10 + 100 = 120 nhịp/ phút. Những giá trị nhỏ hơn nhịp đập thích hợp được xem là mạch chậm và là chỉ dấu cho chẩn đoán sốt do thuốc.
4.3. Các xét nghiệm cận lâm sàng (2)
Mặc dù các chỉ số cận lâm sàng bất thường có thể hỗ trợ trong chẩn đoán sốt do thuốc, tuy nhiên, các bất thường này không xảy ra với tất cả trường hợp sốt do thuốc
- Tăng số lượng bạch cầu
- Tăng số lượng bạch cầu ưa acid gần như luôn gặp song ít gặp tình trạng tăng bạch cầu ưa baso.
- Tăng tốc độ lắng hồng cầu được gặp trong hầu hết các trường hợp.
- Tăng nhẹ các enzyme transaminase huyết thanh xảy ra sớm và thoáng qua.
- Cấy máu âm tính (loại trừ tình trạng nhiễm khuẩn).
5. Chẩn đoán sốt do thuốc (3)
- Loại trừ các nguyên nhân khác gây ra sốt như các bệnh có triệu chứng sốt bao gồm bệnh ác tính, huyết khối, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu dạng tự miễn, đợt gút cấp, phẫu thuật và chấn thương.
- Chỉ chẩn đoán sốt do thuốc trong trường hợp sốt ngưng sau khi dừng sử dụng thuốc. Sốt lại sau khi sử dụng lại thuốc nghi ngờ gây sốt giúp xác nhận chẩn đoán sốt, tuy nhiên nên tránh thực hiện. Nếu thực hiện, cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Bệnh nhân cần được theo dõi.
- Việc tiếp tục sử dụng thuốc nghi ngờ gây sốt là cần thiết hoặc là lựa chọn tốt hơn so với các thuốc thay thế khác.
- Phản ứng của thuốc không liên quan đến việc phá hủy cơ quan hoặc các dấu hiệu và triệu chứng nặng khác.
6. Điều trị (1,3)
Đầu tiên, nên ngưng sử dụng thuốc có khả năng gây sốt cao nhất, sau đó ngưng sử dụng các thuốc khác nếu vẫn còn sốt. Ngưng sử dụng tất cả các thuốc trong cùng thời điểm giúp giảm sốt nhưng có thể tăng nguy cơ từ các bệnh nền và không xác định được thuốc gây sốt. Trong hầu hết nhưng không phải tất cả trường hợp, sốt do thuốc được cải thiện trong vòng 72 đến 96 giờ sau khi ngưng dùng thuốc nghi ngờ gây sốt.
Cân nhắc ngưng dùng thuốc vì lợi ích của việc tiếp tục điều trị có thể cao hơn nguy cơ sốt tiếp diễn trong một số bệnh cảnh lâm sàng. Trong trường hợp tiếp tục điều trị, chuyển sang một thuốc có cấu trúc hóa học khác với thuốc nghi ngờ gây sốt nếu được. Tuy nhiên, một số thuốc không có thuốc thay thế như trong điều trị ung thư hoặc điều trị các vi khuẩn đề kháng thuốc cao. Trong trường hợp này, có thể cho bệnh nhân sử dụng corticosteroid, thuốc kháng histamin và hoặc chất ức chế prostaglandin trước khi sử dụng thuốc nghi ngờ gây sốt và theo dõi thận trọng các triệu chứng tiếp theo của phản ứng quá mẫn. Không cho bệnh nhân sử dụng corticosteroid trước khi sử dụng thuốc nghi ngờ gây sốt trừ trường hợp bệnh nhân có biểu hiện của phản ứng trên da.
Những thuốc gây sốt được báo cáo trong y văn được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2. Những thuốc gây sốt được báo cáo trong y văn
NHÓM THUỐC |
TÊN THUỐC |
Kháng sinh |
Acyclovir, amphotericin B, aureomycin, declomycin, erythromycin, furadantin, isoniazid, minocyclin, nitrofurantoin, novobiocin, rifampin, streptomycin, terramycin, tetracyclin, trimethoprim-sulfamethoxazol, vancomycin* |
Penicillins |
Ampicillin*, carbenicillin, cloxacillin, mezlocillin, nafcillin, oxacillin*, penicillin, piperacillin*, staphcillin, ticarcillin* |
Cephalosporins |
Cefazolin*, cefotaxim*, ceftazidim*, cephalexin, cephalothin |
Thuốc điều trị ung thư |
6-Mercaptupurin, bleomycin*, chlorambucil, cisplatin*, cytosie arabinosid, daunorubicin, hydroxyurea, interferon, L-asparaginas, procarbazin, streptozocin, vincristin |
Thuốc tim mạch |
Clofibrat, diltiazem, dobutamine, furosemid*, heparin*, hydrochlorothiazid, methyldopa*, oxprenolol, procainamid, quinidin and quinin, triameteren |
Thuốc ức chế miễn dịch |
Azathioprin, everolimus, mycophenolat mofetil, sirolimus |
NSAIDs |
Ibuprofen, naproxen, tolmetin |
Thuốc kích thích giao cảm và gây ảo giác |
Amphetamin, lysergic acid, 3,4-methylen dioxymethamphetamin |
Thuốc chống co giật |
Carbamazepin, phenytoin |
Thuốc trị trầm cảm |
Doxepin, nomifensin |
Những nhóm thuốc khác |
Allopurinol, cimetidin, folat, iodid, mebendazol, metoclopramid*, piperazin adipat, propylthiouracil, prostaglandin E2*, ritodrin, sulfasalazin, theophyllin, thyroxin |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Malcolm McDonald, PhD, FRACP, FRCPA, Daniel J Sexton, MD, Drug Fever, https://www.uptodate.com/contents/drug-fever?search=drug%20fever&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1.
2. Bruke A. Cunha (2015), Antibiotic Essentials.
3. Patel, R.A. and Gallagher, J.C. (2010), Drug Fever. Pharmacotherapy: The Journal of Human Pharmacology and Drug Therapy, 30: 57-69. doi:10.1592/phco.30.1.57
4. Jochanan E. Naschitz, Drug fever induced by ertapenem, QJM: An International Journal of Medicine, Volume 104, Issue 8, August 2011, Pages 730–731, https://doi.org/10.1093/qjmed/hcr076
Điểm tin: Ds Lâm Phương Thảo
Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn