-
Lượt xem: 62
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non ( cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non) và sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Tại Việt Nam theo số liệu báo cáo: tỉ lệ trẻ đẻ non/ nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh; nguyên nhân gây nên tử vong trẻ sơ sinh chủ yếu do đẻ non/ nhẹ cân, ngạt, chấn thuong trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/ nhẹ cân chiếm tới 25%.
Trẻ sinh non là gì?
Trẻ sinh non là thuật ngữ để chỉ những em bé được sinh ra trong khoảng thời gian từ 22 tuần đến trước khi được 37 tuần tuổi thai.
Sinh non cũng như các vấn đề sức khỏe của trẻ sinh non luôn là mối lo ngại của nhiều bậc cha mẹ bởi đây là nguyên gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Những trẻ sinh non nếu sống sót có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí nguy cơ khuyết tật suốt đời. Trẻ sinh càng non, nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe, tử vong và “thách thức” trong tương lai càng cao.
Mô tả theo số tuần tuổi thai, trẻ sinh nonđược chia làm 4 nhóm:
- Trẻ sinh non muộn: được sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày tuổi thai.
- Trẻ sinh non vừa: được sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày tuổi thai.
- Trẻ sinh rất non: được sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày tuổi thai.
- Trẻ sinh cực non: được sinh trước 28 tuần tuổi thai.
Những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Dưới đây là một số bệnh thường gặp ở trẻ sinh non:
1. Hội chứng suy hô hấp của trẻ sinh non (Bệnh màng trong) Suy hô hấp (RDS)
Trẻ sinh non, đặc biệt trẻ sinh rất non và cực non, có nguy cơ suy hô hấp cao do phổi chưa trưởng thành để đảm nhiệm chức năng hô hấp và các cơ quan thần kinh chưa phát triển đủ để điều khiển hoạt động của hệ hô hấp. Suy hô hấp do bệnh màng trong gặp hầu hết ở trẻ sinh non tháng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (chiếm 20 – 30%) ở trẻ non tháng. (1)
2. Hạ thân nhiệt
Trẻ sinh non chưa thể tự điều hòa thân nhiệt một cách hiệu quả, dễ bị hạ thân nhiệt khi không được chăm sóc đúng cách. Nguy cơ hạ thân nhiệt cao hơn ở trẻ sinh non dưới 34 tuần, có cân nặng lúc sinh dưới 1.8kg. Những trường hợp này thường sẽ được chỉ định chăm sóc trong lồng ấp hoặc giường sưởi tại bệnh viện cho đến khi thân nhiệt của trẻ ổn định hơn. Phương pháp chăm sóc da kề da (Kangaroo Mother Care) được khuyến cáo là một cách để giúp ổn định thân nhiệt cho trẻ.
Khichăm sóc trẻ sinh non, cần đảm bảo môi trường khô ráo, nhiệt độ phòng phù hợp (khoảng 26 – 28 độ C), tránh gió lùa. Trẻ cần được giữ ấm đúng cách, mặc đủ ấm, duy trì thân nhiệt trong khoảng 36.5 – 37.5 độ C, đồng thời, không nên quấn trẻ quá kỹ nhằm ngăn ngừa trẻ tăng thân nhiệt quá cao.
Chăm sóc trẻ sơ sinh nằm lồng ấp tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu
3. Rối loạn chuyển hóa
Rối loạn chuyển hóa ở trẻ sinh non và vấn đề sức khỏe thường liên quan đến nhiều quá trình chuyển hóa phức tạp trong cơ thể. Một số vấn đề rối loạn chuyển hóa thường gặp như: hạ đường huyết, hạ canxi, xương nhuyễn hóa hay các vấn đề rối loạn nội tiết (nhược giáp, suy giáp)…
4. Nhiễm trùng máu sơ sinh – một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Trẻ sinh non có nguy cơ cao nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu sơ sinh). Nhiễm trùng ối gây nhiễm trùng sơ sinh sớm cũng là một trong những nguyên nhân gây sinh non. Nhiễm trùng sơ sinh gọi là sớm khi khởi phát trong 72 giờ sau sinh, trong khi nhiễm trùng sơ sinh muộn xảy ra sau sinh 72 giờ.
5. Vàng da – một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Có đến 80 % trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu sau sinh, có thể là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da là tình trạng nồng độ bilirubin toàn phần trong máu tăng cao dẫn đến sự lắng đọng bilirubin trên da. Bilirubin là một hợp chất có màu vàng; vì vậy, khi bilirubin lắng đọng trên da, da trẻ sẽ trở nên vàng hơn bình thường.
Chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu
6. Thiếu máu
Thể tích máu của trẻ sinh non nhìn chung tương đối thấp, tương đương với cân nặng và kích thước cơ thể nhỏ bé của trẻ.Thiếu máu ở trẻ sinh non có thể xảy ra do khả năng tạo hồng cầu ở trẻ còn nhiều hạn chế; trẻ bị tán huyết sinh lý hoặc bệnh lý hoặc trẻ gặp phải một số vấn đề khác như xuất huyết trong não thất… Chính vì vậy, hơn 90% trẻ sinh cực non có ít nhất một lần cần truyền máu trong quá trình điều trị.
7. Xuất huyết trong não thất sơ sinh (IVH)
Ở trẻ sinh non, tình trạng hô hấp và tuần hoàn chưa ổn định kèm với sự non tháng của não bộ khiến trẻ tăng nguy cơ xuất huyết trong não thất.
8. Ngưng thở và nhịp tim chậm
Ngưng thở và nhịp tim chậm thường gặp ở trẻ non tháng, dưới 34 tuần tuổi, xuất hiện ngay trong tuần đầu sau sinh.
9. Viêm ruột hoại tử (NEC)
Viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non đặc trưng bởi tình trạng viêm hoại tử chảy máu ruột, có thể gây thủng ruột. Bệnh có biểu hiện là chướng bụng, không dung nạp sữa, có máu trong phân và dấu hiệu khí thành ruột, tĩnh mạch cửa trên X-quang bụng.
10. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP)
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) là một tình trạng bệnh lý liên quan sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, gây bong lớp võng mạc, có khả năng làm trẻ giảm thị lực, thậm chí bị mù. Bệnh xảy ra ở trẻ sinh non <32 tuần, thở oxy liều cao kéo dài và cũng liên quan đến các bệnh lý toàn thân khác của trẻ sinh non. Tỷ lệ mắc bệnh lên đến 65% ở trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh từ 1.25kg trở xuống.
Bệnh thường tự khỏi khi trẻ lớn hơn và được chăm sóc đúng cách. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mù lòa do tổ chức mạch máu tăng sinh, co kéo gây bong võng mạc. Vì vậy trẻ cần hỗ trợ điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, dùng thuốc tùy trường hợp.
11. Các vấn đề về thính giác và thị giác
Bên cạnh bệnh võng mạc, trẻ sinh non còn có nguy cơ cao gặp các vấn đề về thị giác như lé, tật khúc xạ… Tỷ lệ mắc các vấn đề về thính giác ở trẻ sinh non dao động trong khoảng 2 – 3%. Trẻ sinh non sau khi được xuất viện cần được tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra, đánh giá sự phát triển của thị giác, thính giác.
12. Loạn sản phế quản phổi (BPD)
Loạn sản phế quản phổi là bệnh phổi mạn tính thường gặp ở trẻ sinh non. Tình trạng này có thể khởi phát sớm trong vài ngày đầu sau sinh, được chia làm hai giai đoạn gồm giai đoạn tiến triển và xác định. Các triệu chứng và mức độ loạn sản phế quản phổi tiến triển và thay đổi theo thời gian.
13. Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi – một bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi là hiện tượng trẻ đột ngột tử vong không rõ nguyên nhân, thường xảy ra khi trẻ đang ngủ. Sinh non khiến nhiều cơ quan của trẻ chưa phát triển toàn diện, đặc biệt là não bộ và hệ hô hấp. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát hơi thở, nhịp tim và duy trì hoạt động của các cơ quan trong khi ngủ, làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhũ nhi.
14. Bại não – một trong những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Bại não là tổn thương não không tiến triển gây nên bởi các yếu tố nguy cơ xảy ra ở giai đoạn trước, trong, sau sinh đến 5 tuổi. Bại não là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng chậm đạt được hoặc không đạt được các mốc phát triển vận động của trẻ. Chính vì các hạn chế vận động này sẽ ảnh hưởng đến các mặt phát triển về tâm thần và nhận thức khác của trẻ. Việt Nam hiện chưa có thống kê về tỷ lệ mắc bại não ở trẻ sinh non. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tại Anh, tỷ lệ bại não ở trẻ sinh cực non lên đến 10 – 15%.
15. Di chứng chậm phát triển
Trẻ sinh non có tuổi thai càng nhỏ, nguy cơ mắc phải các vấn đề về chậm phát triển càng cao. Chậm phát triển ở trẻ được mô tả trên nhiều khía cạnh, bao gồm chậm phát triển các kỹ năng cơ bản như vận động thô, vận động tinh hay những kỹ năng đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều cơ quan thần kinh cao cấp như khả năng học tập, giao tiếp, kỹ năng xã hội…
Chậm phát triển vận động ở trẻ có thể được phát hiện sớm qua quan sát sự phát triển trong khoảng 12 tháng đầu đời. Tuy nhiên, một số trẻ chậm phát triển có thể được phát hiện muộn hơn, khi trẻ bước vào độ tuổi đến trường. Vì vậy, di chứng chậm phát triển ở trẻ sinh non là vấn đề sức khỏe cần được theo dõi lâu dài, đánh giá định kỳ nhằm có hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, trẻ sinh non có nguy cơ nhập viện điều trị do các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Vì vậy trong 2 năm đầu đời, trẻ cần được theo dõi sát sao nhằm phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe (nếu có).
Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt không?
Có. Sinh non khiến nhiều cơ quan chưa phát triển hoàn thiện, chưa thể hoạt động hiệu quả để sống sót trong môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da cho trẻ bú mẹ ngay từ nhũng giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Theo dõi sức khỏe, giữ ấm cho trẻ, tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/ nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
Cách phòng ngừa những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non
Chăm sóc trẻ sinh non đúng cách, an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ sinh non. Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sinh non:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời, bổ sung thêm vitamin D và một số vi chất cần thiết khác theo khuyến cáo của bác sĩ.
- Cho trẻ tiêm vaccine đủ mũi và đúng lịch nhằm bổ sung đề kháng, tăng cường miễn dịch cho trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thân thiện, không khí trong lành và độ ẩm phù hợp, tránh tiếp xúc với khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá.
- Giữ ấm cho trẻ đúng cách, tránh tiếp xúc với gió lùa và nhiệt độ quá lạnh.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đến những khu vực công cộng đông người.
- Theo dõi và thông báo ngay cho bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, mệt mỏi, sốt cao, bú kém, li bì,…
Hy vọng với những thông tin trên , quý phụ huynh sẽ hiểu rõ hơn về những bệnh thường gặp ở trẻ sinh non.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi Bệnh viện đa khoa khu vực Tân Châu. SĐT: 02963823817.